Phát triển dịch vụ tài chính cá nhân ở Việt Nam

Vấn đề phát triển dịch vụ tài chính cá nhân gắn với ứng dụng công nghệ là xu hướng mới hiện nay và có ý nghĩa rất lớn khi toàn thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, đời sống của người dân ở hầu hết các nước đều bị ảnh hưởng ở nhiều cấp độ khác nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thông qua trao đổi về tiềm năng và thách thức phát triển dịch vụ tài chính cá nhân tại Việt Nam, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả kiến nghị một số giải pháp để phát triển dịch vụ tài chính cá nhân trong thời gian tới.

Vai trò của dịch vụ tài chính cá nhân

Tài chính cá nhân

Theo Từ điển mở Wikipedia, tài chính cá nhân là việc quản lý tài chính mà mỗi cá nhân hoặc một gia đình thực hiện để lập ngân sách, tiết kiệm và chi tiêu các nguồn tiền mặt theo thời gian, có tính đến các rủi ro tài chính và các sự kiện trong tương lai. Khi lập kế hoạch tài chính cá nhân, cá nhân sẽ xem xét sự phù hợp với nhu cầu của mình về một loạt các sản phẩm ngân hàng (tài khoản tiết kiệm, vãng lai, thẻ tín dụng và các khoản cho vay tiêu dùng) hoặc đầu tư cá nhân (thị trường chứng khoán, trái phiếu, quỹ tương hỗ) và bảo hiểm (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn) hoặc tham gia, giám sát các kế hoạch hưu trí, trợ cấp an sinh xã hội và quản lý thuế thu nhập.

Một số quan điểm cho rằng, tài chính cá nhân là ứng dụng những nguyên tắc tài chính vào những quyết định về tiền bạc của một cá thể hoặc một gia đình. Nó chỉ ra phương thức để những cá thể/gia đình đó hoạch định ngân sách, tiết kiệm, kiếm tiền và tiêu tiền theo thời gian, có tính toán đến những rủi ro về tài chính và những kế hoạch trong cuộc sống tương lai. Đơn giản hơn, tài chính cá nhân là những hoạt động có liên quan đến tiền của cá nhân/gia đình để giúp cá nhân/gia đình đạt được các mục tiêu mong ước tương lai.

Dịch vụ tài chính cá nhân

Dịch vụ tài chính cá nhân là các dịch vụ nhắm đến đối tượng khách hàng cá nhân, thay vì nhóm khách hàng doanh nghiệp. Các dịch vụ chủ yếu là tiết kiệm, thanh toán, cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, cho vay bổ sung vốn sản xuất kinh doanh, cho vay trả góp…

Phát triển dịch vụ tài chính cá nhân đang là xu thế và là yêu cầu tất yếu đối với hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam nói chung và các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay nhằm phát triển thương hiệu, gia tăng thị phần và đa dạng hoá các loại hình sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, góp phần vào việc tăng sức cạnh tranh, tăng doanh thu, mở rộng thị trường, tiềm năng phát triển. Cùng với đó, khả năng phân tán rủi ro trong hoạt động kinh doanh cũng được tăng lên.

Đối với nền kinh tế, phát triển tài chính cá nhân góp phần hỗ trợ cá nhân tiếp cận sản phẩm tiêu dùng, kích cầu tạo điều kiện đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống dân cư, góp phần tăng GDP quốc gia, tạo nguồn lực phát triển cho nền kinh tế.

Tiềm năng và thách thức phát triển dịch vụ tài chính cá nhân tại Việt Nam

Tiềm năng

Sự phát triển mạnh của thị trường cho vay tiêu dùng được đánh giá là một tín hiệu tốt trên thị trường tài chính, nhất là tài chính vi mô và tài chính cá nhân. Để phát triển dịch vụ tài chính cá nhân, các NHTM thường đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình sản phẩm tín dụng cá nhân. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người.

Tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam được đánh giá còn rất lớn là nhờ quy mô dân số lớn, gần 100 triệu người, với dân số trẻ khá cao, trong khi hơn một nửa dân số hiện chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua ngân hàng. Tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam đạt khoảng 11%, thấp hơn nhiều so với mức 40-50% ở các nước phát triển.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động và thu nhập của người dân tăng trưởng mỗi năm. Với mật độ dân số trẻ cao và thu nhập ngày càng tăng, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng nói chung và nhu cầu về các dịch vụ tài chính cá nhân để cải thiện cuộc sống của người dân từ đó cũng không ngừng tăng lên.

Tại Việt Nam, bên cạnh hàng chục NHTM, thị trường tín dụng tiêu dùng còn có sự tham gia của 16 công ty tài chính với quy mô thị trường ước tính đạt 1,1 triệu tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD). Dự báo, trong thời gian tới, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của NHTM trong nước, các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là các công ty công nghệ tài chính (fintech), quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng sẽ mở rộng hơn.

Hiện nay, phát triển dịch vụ tài chính cá nhân đang trở thành một trong những định hướng chiến lược của các NHTM. Dịch vụ tài chính cá nhân tại các ngân hàng hiện nay ngày càng đa dạng, trở nên đồng đều hơn với việc triển khai của hầu hết các NHTM, tạo cho khách hàng nhiều cơ hội lựa chọn, đáp ứng được phần nào nhu cầu tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng và thanh toán. Bên cạnh đó, kênh phân phối sản phẩm luôn là một trong những chính sách quan trọng giúp cho các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính cá nhân có cơ hội tiếp cận gần hơn, rộng rãi hơn đến khách hàng, cơ hội phát triển cũng vì thế mà được đẩy mạnh…

Đặc biệt, xu hướng cạnh tranh trên lĩnh vực tài chính cá nhân không chỉ của NHTM và công ty tài chính mà còn có sự tham gia của các công ty fintech với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin. Các sản phẩm tài chính của nhóm công ty fintech khá phong phú so với nhu cầu của người tiêu dùng và các thủ tục được thực hiện trực tuyến. Mô hình P2P (kết nối trực tiếp người đi vay và người cho vay trên internet) của các công ty fintech với các gói vay đa dạng và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Với hình thức vay vốn trực tuyến, các công ty sẽ không phải chịu nhiều các khoản chi phí về mặt bằng, điện nước, lương nhân viên… để duy trì hoạt động nên mức lãi suất của các dịch vụ cho vay trực tuyến trở nên hấp dẫn hơn.

Theo các chuyên gia tài chính, vấn đề phát triển dịch tài chính cá nhân có ý nghĩa rất lớn khi toàn thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, đời sống của mỗi công dân bị ảnh hưởng ở nhiều cấp độ khác nhau tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Việc trang bị những kiến thức, về tài chính cá nhân, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân trở nên cấp thiết đối với cá nhân nói riêng và xã hội nói chung để có thể ứng phó tốt với các tình huống bất thường, đảm bảo đời sống cá nhân và gia đình, từ đó góp phần ổn định xã hội và phát triển bền vững. Cùng với đó, việc cơ quan quản lý và các tổ chức tín dụng có các chiến lược, kế hoạch phát triển các dịch vụ tài chính cá nhân sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

Thách thức

Bên cạnh những cơ hội, tiềm năng,̀ việc phát triển các dịch vụ tài chính cá nhân ở Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, cụ thể:

– Các văn bản pháp quy liên quan tới các dịch vụ quản lý tài chính cá nhân chưa đầy đủ. Việc phát triển dịch vụ tài chính cá nhân sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan giữa các bên và cần có các quy định cụ thể để điều chỉnh nhằm đảm bảo lợi ích của các bên, đặc biệt là lợi ích của khách hàng.

– Nhận thức, kiến thức về tài chính cá nhân và dịch vụ tài chính cá nhân còn hạn chế. Theo kết quả của một khảo sát mới đây cho thấy, trên 80% số người được khảo sát không biết rõ tài chính cá nhân là gì và ít quan tâm đến các kế hoạch tài chính trong tương lai; trên 90% số người được khảo sát chưa nắm rõ được các khoản chi tiêu của mình trong tháng vừa qua và họ cũng không có khoản tiết kiệm để dự phòng rủi ro khẩn cấp. Bên cạnh đó, hiện nay, người dân, đặc biệt người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có rất ít thông tin hoặc khó tiếp cận với thông tin về dịch vụ tài chính cá nhân, nên làm hạn chế khả năng tham gia của họ.

– Các đối tượng được đào tạo bài bản về tài chính cá nhân còn khá khiêm tốn. Một bộ phận lớn dân cư tại các tỉnh thành nhỏ và các khu vực hẻo lánh khó có thể tiếp cận được các khóa học về tài chính cơ bản để có những hiểu biết cần thiết về tài chính cá nhân và các dịch vụ tài chính cá nhân. Các cá nhân, hộ gia đình ở Việt Nam chưa quan tâm tới quản trị tài chính cá nhân và các chương trình đào tạo về kiến thức tài chính. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng cũng chưa chủ động trong việc nâng cao nhận thức cho người dân nói chung và khách hàng nói riêng về tầm quan trọng của dịch vụ tài chính cá nhân.

– Vấn đề an ninh tài chính cá nhân chưa được quan tâm, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của công nghệ tài chính trên phạm vi toàn cầu. Những rủi ro trong quản lý tài chính cá nhân, các hành vi lừa đảo, những vấn đề liên quan đến xâm phạm bí mật thông tin riêng tư… có nguy cơ đe dọa tài chính cá nhân ngày càng tinh vi và phức tạp.

– Các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng chưa có nhiều sản phẩm tài chính đa dạng và các điều kiện để cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính cá nhân, đội ngũ tư vấn tài chính chưa được đào tạo chuyên nghiệp và thiếu kỹ năng.

Kiến nghị đề xuất

Về phía cơ quan quản lý

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trên thị trường tài chính với những nhu cầu sử dụng dịch vụ tà chính cá nhân ngày càng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các sản phẩm tài chính cá nhân, các cơ quan quản lý liên quan cần chú trọng một số vấn đề sau:

– Sớm ban hành các văn bản pháp luật về dịch vụ tư vấn tài chính để tạo môi trường pháp lý thống nhất, hoàn thiện, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia một cách hợp pháp. Theo đó, NHNN, các cơ quan hữu quan cần ban hành, bổ sung và sửa đổi kịp thời các quy định, cơ chế chính sách có liên quan một cách kịp thời, trong đó có chú ý đến các yếu tố mới với sự xuất hiện của các công ty fintech… Chẳng hạn, đối với dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân đang nở rộ hiện nay, cần có một khuôn khổ chặt chẽ về quy định cho tư vấn tài chính cá nhân trong những giai đoạn đầu để có chuẩn bị cho việc triển khai các dịch vụ tài chính trong thời kỳ thị trường chín muồi; Hoặc áp dụng những quy tắc về giao dịch công bằng để đảm bảo khách hàng có được những bảo vệ tối thiểu khi sử dụng dịch vụ hoạch định tài chính, cho dù họ tìm đến bất cứ nhà cung cấp nào.

– Nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi, miễn thuế cao đối với các quỹ hưu trí tự nguyện và các sản phẩm hưu trí, các sản phẩm dịch vụ tài chính cá nhân hữu ích…

– Cần có các quy định về chứng chỉ tiêu chuẩn đối với những nhà hoạch định tài chính. Việc tiêu chuẩn hóa các chứng chỉ này sẽ giúp thực hiện một bước đi dài trong việc cung cấp cấu trúc và sự rõ ràng đối với công chúng về ngành nghề hoạch định tài chính. Bên cạnh đó,  cần có khung khổ pháp lý để phân biệt những người có đủ điều kiện thực thi nghề nghiệp tư vấn dịch vụ tài chính cá nhân với những người không có đủ điều kiện.

– Xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính, nâng tầm hiểu biết về tài chính cá nhân cũng như lợi ích khi sử dụng các dịch vụ tài chính cá nhân.

Về phía các tổ chức tín dụng

Để thị trường dịch vụ tài chính cá nhân phát triển hiệu quả, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp dân cư được tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, và tiến tới việc giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch kinh tế, bản thân các NHTM cần phải nỗ lực cải tiến công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, quản lý thông tin khách hàng một cách chặt chẽ… Trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:

– Phát triển ngân hàng bán lẻ nói chung và dịch vụ tài chính cá nhân nói riêng là hướng đi hoàn toàn phù hợp với các NHTM trong giai đoạn hiện nay, nhất là với một thị trường tiềm năng như Việt Nam, một quốc gia với dân số đông, trẻ, tích lũy và tiêu dùng của dân cư có tiềm năng tăng trưởng cao. Do vậy, cần chủ động hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính cá nhân và cung cấp các gói dịch vụ tư vấn tài chính đa dạng hóa, phù hợp với từng mục tiêu chi tiêu của khách hàng.

– Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu dịch vụ này trên các phương tiện truyền thông để nâng cao nhận thức của công chúng đối với việc quản lý tài chính cá nhân gắn với sử dụng các dịch vụ tài chính cá nhân. Các NHTM là những tổ chức có thuận lợi lớn để thực hiện những chương trình giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ cơ bản đối với người dân và giúp họ hình thành thói quen tiết kiệm cũng như sử dụng dịch vụ ngân hàng.

– Các quy trình bán sản phẩm tài chính cần được minh bạch đối với khách hàng. Cụ thể, công bố các thông tin liên quan đến dịch vụ này như các sản phẩm của dịch vụ, quy trình cung ứng sản phẩm, chi phí giao dịch, lợi ích của người tham gia…

– Chú trọng vấn đề đào tạo cho những người hành nghề về cả kiến thức lẫn đạo đức nghề nghiệp, khuyến khích hoặc cử nhân viên tham gia các khóa học và chương trình đào tạo áp dụng các chuẩn mực tiên tiến để nâng cao trình độ, đảm bảo chất lượng khi tư vấn dịch vụ và tạo niềm tin cho khách hàng về các sản phẩm tài chính cá nhân.

– Đẩy mạnh công tác giáo dục tài chính cá nhân. Nhằm tăng cường sự hiểu biết của người dân đối với hoạt động quản lý tài chính cá nhân và quản lý gia sản đòi hỏi các tổ chức chính trị xã hội, các NHTM và các trường đại học tổ chức các môn học và khóa đào tạo ngắn hạn liên quan đến công tác này trên nhiều cấp độ khác nhau. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để tạo thói quen lập kế hoạch tài chính và tham gia dịch vụ tư vấn tài chính để được đảm bảo một cuộc sống ổn định và lành mạnh

– Tạo dựng niềm tin và sự tin tưởng cho khách hàng. Để làm được điều này, đòi hỏi các tổ chức cung ứng dịch vụ phải thể hiện được tính chuyên nghiệp của mình trong cung cấp và quản lý dịch vụ và đảm bảo tính bảo mật của dịch vụ được cung cấp. Muốn vậy, tổ chức cung ứng dịch vụ phải có được đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn và kỹ năng, có hệ thống phần mềm quản lý thân thiện và có tính bảo mật cao, có quy trình cung ứng dịch vụ đơn giản thuận tiện và chứng minh được hiệu quả quản lý tài sản của khách hàng. Các thông tin về tài sản khách hàng phải cung cấp đầy đủ cho khách hàng qua kênh email và khách hàng có thể theo dõi tình trạng tài sản của mình qua hệ thống phần mềm cài đặt ở điện thoại hoặc xem trực tuyến. Thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu về kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, quản lý gia sản và các sản phẩm dịch vụ cung cấp nhằm tạo thêm hiểu biết và tạo niềm tin cho khách hàng trong sử dụng dịch vụ.

– Phát triển chiến lược cho các dòng sản phẩm huy động cá nhân, dịch vụ tài chính theo từng phân khúc khách hàng, khu vực địa lý, thị trường… phù hợp với định hướng phát triển của ngân hàng; Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm huy động, dịch vụ tài chính cá nhân theo từng thời kỳ kinh doanh, theo từng phân khúc, từng thời kỳ, từng địa bàn cụ thể.

– Chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá xu hướng thị trường làm cơ sở phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính cá nhân mới, cải tiến hoặc hủy bỏ các sản phẩm hiện hữu.

– Tăng cường sự kết nối giữa các đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ và đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ. Các đơn vị cung ứng dịch vụ cần có sự liên kết nhằm cung ứng các sản phẩm dịch vụ trọn gói và đặt hàng với tổ chức cung cấp phần mềm để có được phần mềm quản lý tài chính, quản lý gia sản đồng bộ. Qua đó, hệ thống phần mềm có thể quản lý các loại tài sản và sử dụng để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau từ đặt lệnh mua bán chứng khoán, thanh toán tiền mua bán hàng hóa, thanh toán tiền điện nước, xác định giá trị chứng khoán, bất động sản, quản lý được các hợp đồng hợp tác đầu tư…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.